Nguyên nhân khiến nhôm tăng giá

Nguyên nhân khiến nhôm tăng giá

Giá nhôm lần đầu vọt lên trên 3.000 USD/tấn kể từ 2008 – nhà đầu tư đổ xô vào nhôm, đặt cược giá còn tăng hơn nữa

Tiếp tục xu hướng tăng dựng đứng từ nhiều ngày nay, giá nhôm thế giới đã chạm mức 3.000 USD/tấn lần đầu tiên kể từ năm 2008 do những hạn chế sản xuất ở Trung Quốc – nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, làm dấy lên lo sợ nguồn cung sẽ thiếu hụt.

Cuối ngày 13/9, giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn kim loại London (LME) có lúc vọt lên 3.000 USD/tấn. Sau đó giá quay đầu đi xuống, nhưng vẫn quanh mức 2.900 USD/tấn. Giá nhôm giao dịch trên sàn Comex (New York) tháng này cũng đã tăng 20% lên 365 USD/tấn. Tại Trung Quốc, giá nhôm tăng lên 23.790 nhân dân tệ, cao nhất kể từ năm 2006.

Biểu đồ  giá nhôm thị trường sàn giao dịch London – LME

Biểu đồ giá nhôm sàn giao dịch Thượng Hải – SME

Do các nhà đầu tư đang đổ xô vào nhôm, kim loại này đã tăng giá hơn 15% chỉ trong 3 tuần qua (khi rủi ro về nguồn cung gia tăng bởi hàng loạt các sự kiện, từ việc khai thác bauxite ở Guinea, tinh luyện alumina ở Jamaica đến nấu chảy nhôm ở Trung Quốc và một số vấn đề khác nữa), và tăng gần 50% từ đầu năm đến nay. Tính trong một năm qua, giá đã tăng khoảng 2/3.

Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng giá sẽ còn tăng hơn nữa khi dự đoán nguồn cung sẽ tiếp tục bị gián đoạn, còn nhu cầu tiếp tục tăng.

Lượng nhôm lưu kho trên sàn LME đã giảm 33% kể từ tháng 3 xuống 1,3 triệu tấn hiện nay, trong khi lượng lưu ở Sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải (ShFE) đã giảm 42% tấn kể từ tháng 4 xuống 228.529. tấn hiện nay.

Các nhà sử dụng nhôm ở Trung Quốc ngày 13/9 đã nhận tin “sét đánh” rằng tỉnh Vân Nam sẽ thực thi các biện pháp hạn chế sản xuất từ ​​tháng này nhằm nỗ lực đáp ứng các mục tiêu giảm sử dụng năng lượng. Theo đó, tỉnh Vân Nam, nơi chiếm khoảng 10% công suất nhôm của Trung Quốc, đã yêu cầu các nhà máy luyện nhôm sử dụng thủy điện giữ sản lượng trung bình hàng tháng trong giai đoạn tháng 9 – 12/2021 ở mức bằng hoặc thấp hơn so với tháng 8/2021. Công ty nghiên cứu Antaike cho biết, trong tháng này các nhà máy luyện nhôm chỉ riêng ở Vân Nam đã cho ngừng hoạt động gần 1 triệu tấn công suất hàng năm.

Nguyên nhân đẩy giá nhôm tăng không chỉ đến từ Châu Á. Goldman Sachs Group Inc. cho biết các nhà máy luyện kim ở Liên minh châu Âu cũng đang phải đối mặt với chi phí gia tăng cùng với tín chỉ carbon và giá điện cao kỷ lục.

“Những yếu tố rủi ro về nguồn cung ngày càng gia tăng ở Trung Quốc cũng như EU, nhất là vấn đề liên quan đến chính sách”, các nhà phân tích của Goldman cho biết, và cho rằng căng thẳng về nguồn cung ở những khu vực có thể khiến tình trạng cung ứng tắc nghẽn trở nên trầm trọng thêm nữa.

Theo nhiều người tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Harbour Aluminium ở Chicago, nguồn cung nhôm thấp sẽ còn khiến nhôm tiếp tục “tỏa sáng” hết năm nay và kéo dài tới gần hết năm 2022. Thậm chí một số người dự đoán có thể mất tới 5 năm thị trường nhôm thế giới mới giải quyết được vấn đề về nguồn cung.

Chuyên gia Gianclaudio Torlizzi thuộc công ty tư vấn T-Commodity cho biết: “Thị trường rõ ràng đang mở rộng quá mức”. Tuy nhiên, theo ông Torlizzi, “Rất, rất khó để giá quay đầu giảm”. Ông cho rằng có thể sắp tới giá nhôm sẽ có sự điều chỉnh giảm chút ít, song sau đó sẽ tăng nhanh trở lại do nhiều yếu tố, bao gồm việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng.

Các nhà phân tích của ANZ cho biết: “Tình trạng thiếu điện và các biện pháp môi trường đang hạn chế sản lượng ở Trung Quốc. Tình trạng bất ổn chính trị ở Guinea cũng đang đe dọa làm trì hoãn thời điểm các dự án bauxite mới đi vào hoạt động để bổ sung nguyên liệu cho các nhà máy luyện nhôm ở Trung Quốc”.

Cuộc đảo chính ở Guinea châm ngòi cho một đợt giá nhôm tăng mạnh. Guinea sản xuất khoảng 1/4 tổng sản lượng bauxite toàn cầu, trong đó nước này cung cấp hơn một nửa lượng quặng bauxite được sử dụng trong các nhà máy luyện kim của Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà máy luyện kim của Trung Quốc sản xuất hơn 50% sản lượng nhôm của thế giới.Chính vì thế, cuộc đảo chính quân sự khiến Guinea rơi vào tình trạng hỗn loạn hôm 5/9 đã như một “cú hích” mạnh mẽ vào thị trường nhôm vốn đã sôi động từ nhiều tháng nay.

Ngân hàng ANZ ước tính sản lượng nhôm mất đi ở Trung Quốc năm nay sẽ khoảng 1 triệu tấn. Song nhà nghiên cứu Antaike của Trung Quốc cho rằng những công suất sản xuất nhôm ở Trung Quốc bị đóng cửa trong tháng này đã vượt 2 triệu tấn và có thể sẽ còn tăng nữa.

Theo The Economist, rủi ro về nguồn cung chỉ là một nửa nguyên nhân đẩy giá nhôm tăng điên cuồng. Một lý do khác giải thích cho sự tăng giá mạnh này là nhu cầu ngày càng tăng.

Người tiêu dùng bị phong tỏa ở nhà có nhu cầu đồ uống nhiều hơn, dẫn đến nhu cầu đối với các hàng hóa sử dụng nhôm làm bao bì (ví dụ vỏ lon đồ uống…) tăng. Ngoài ra, khi các nền kinh tế đã phục hồi sau cuộc suy thoái sâu do dịch COVID-19 trong năm 2020, nhu cầu về nhôm phục vụ xây dựng cũng tăng theo. Các kế hoạch chi tiêu hào phóng cho cơ sở hạ tầng ở Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đã góp phần thúc đẩy nhu cầu này tăng cao hơn nữa. Cùng với đó, việc bán xe điện, loại phương tiện có xu hướng chứa nhiều nhôm hơn so với ô tô thông thường, cũng đã thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại này.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *